Last Updated on October 29, 2021 by Dieu
10 Cách bất ngờ giúp bạn tìm việc trên LinkedIn
Hầu hết các nhà tuyển dụng hiểu rõ tầm quan trọng của hình profile trong CV tìm việc. Nhưng bạn có biết nếu lỡ không đăng một tấm hình hợp lý, bạn rất có thể đã bỏ lỡ nhiều cơ hội việc làm?
LinkedIn, với hơn 500 triệu thành viên, đây mạng xã hội không thể thiếu cho những người đi làm, đang tìm việc, hoặc chỉ đơn giản muốn xây dựng hồ sơ cá nhân. Ngày nay có khoảng 92% nhà tuyển dụng sử dụng mạng xã hội trong công việc, và LinkedIn là mạng xã hội được sử dụng nhiều nhất.
Tuy nhiên vẫn có nhiều người chưa biết cách sử dụng LinkedIn hiệu quả, để tối ưu khả năng tìm kiếm công việc của mình. Thay vào đó, họ chỉ Cắt, Dán CV với hi vọng công việc tự tìm đến, hoặc cảm thấy mạng xã hội chẳng phải là thế mạnh của mình như các đồng nghiệp trẻ.
Dưới đây là 10 cách bạn có thể chưa biết, để sử dụng LinkedIn hiệu quả khi đi săn việc:
1. Gây ấn tượng với cách viết profile độc đáo
Cũng như bất kì ai khác, các nhà tuyển dụng dễ dàng hứng thú với những câu chuyện thú vị, thay vì gạch đầu dòng nhàm chán. Thêm vào đó, nghiên cứu cho rằng bằng cách kể chuyện sẽ để lại ấn tượng lâu hơn cho người đọc. Vì vậy thêm vào profile trên LinkedIn của mình một vài câu chuyện thú vị, sẽ giúp ghi điểm với các nhà tuyển dụng.
Ví dụ: Cho mỗi công việc bạn đã làm. Đừng chỉ nêu vắn tắt nhiệm vụ và thành tích của mình. Sue Gresham, cố vấn của LinkedIn đề nghị bạn thử kể một câu chuyện thú vị, quan trọng làm nổi bật vấn đề bạn gặp phải, cách xử lý, đặc biệt đề cập đến giải pháp sáng tạo, sáng kiến độc đáo của bạn để tạo nên thành công. Tuy nhiên, nên viết cô đọng và súc tích để những nhà tuyển dụng bận rộn nhất cũng có thể dễ dàng nắm bắt.
2. Nhấn mạnh kỹ năng hơn là vị trí công việc
Đừng coi nhẹ phần “Kỹ năng”, vì Blair Decembrele, chuyên gia của LinkedIn đã chia sẻ với Business Insider: “89% các nhà tuyển dụng hoạt động trên LinkedIn đã thừa nhận Kỹ năng thậm chí còn quan trọng hơn Vị trí công việc gấp nhiều lần” . Sẽ thật sai lầm nếu bạn chỉ điền dăm ba từ cho có lệ, ví dụ: Microsoft Office Skill, Communication Skill…

3. Đừng quên phương thức liên hệ
Đây cũng là một lỗi thường mắc phải trên LinkedIn, khi mọi người quên đề cập cách thức liên lạc email hay số điện thoại của mình. Vì LinkedIn giới hạn In-mail chỉ dành cho thành viên dùng gói Premium, nên hãy đảm bảo thông tin email và số điện thoại của bạn được cập nhật trong CV hay lời giới thiệu nhé!
4. Nâng cao hình ảnh
Instagram đã chứng minh hình ảnh chất lượng thu hút được rất nhiều phản hồi tích cực. Vậy tại sao bạn không tạo Profile LinkedIn bắt mắt người đọc?
Bạn đã từng nhận giải thưởng hay bằng cấp, chứng nhận ấn tượng? – Tuyệt vời! “khoe” ngay trên tường của mình, việc này hiệu quả gấp bội lần hơn là gạch đầu dòng, liệt kê. Nếu bạn nhận được đánh giá tích cực, đã sản xuất hay xuất hiện trong một video thú vị, cũng nên chia sẻ trên LinkedIn.
5. Chia sẻ những nội dung hữu ích
Hãy giữ Profile LinkedIn của bạn luôn “ tươi mới và sống động” làm nổi bật lên nét đặc trưng và độc đáo riêng để chứng tỏ bạn là ứng viên sáng giá. Một mẹo nhỏ để tăng tính tương tác trên LinkedIn: tích cực chia sẻ những nội dung, cập nhật mới liên quan đến lĩnh vực của bạn, như trên Facebook vậy.
Bạn cũng có thể chia sẻ về chủ đề liên quan đến lãnh đạo, hiểu biết trong ngành, câu chuyện liên quan hoặc xu hướng phát triển trong lĩnh vực của bạn. Nghe có vẻ đơn giản, nhưng những điều này thật sự có thể giúp tăng uy tín và tạo ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng.
6. Tìm trên trang của doanh nghiệp
Bạn có thể trực tiếp tìm và ‘follow’ công ty mà bạn mong muốn làm việc. Từ đó, bạn có thể hiểu thêm về hoạt động của công ty, cũng như nhận được thông báo mỗi khi công ty đó đăng tuyển việc làm mới.
Ngoài ra, khi bạn tìm kiếm các công ty đang cùng đăng tuyển những vị trí tương tự, bạn có thể đơn giản nộp hồ sơ vào tất cả các vị trí đó. Tuy nhiên, điều này có thể tăng khả năng bạn bị bỏ qua. Hãy dành thời gian để tìm hiểu những vị trí mà bạn thấy phù hợp nhất và tập trung ứng tuyển vào những vị trí đó.
7. Tìm kiếm trên bảng tin việc làm
Hãy thử click vào thẻ ‘jobs’ trên thanh công cụ, bạn sẽ thấy rất nhiều quảng cáo việc làm được các chủ lao động và các nhà tuyển dụng trả tiền để hiện lên trang nhất của LinkedIn, cùng với những việc làm khác được LinkedIn tổng hợp từ internet.
LinkedIn sẽ dựa vào thông tin về địa điểm, ngành nghề, và các đặc điểm khác bạn quan tâm để đưa ra danh sách tin việc làm tương ứng. Bạn cũng có thể thay đổi những thông tin này để thay đổi thông tin đăng tuyển mà LinkedIn giới thiệu.
Khi click vào thẻ ‘jobs’, bạn có thể tự tìm kiếm việc làm theo tên, từ khóa, hoặc tên công ty và địa điểm. Ngoài ra, LinkedIn cũng cung cấp các bộ lọc truyền thống, như theo ngày đăng, cấp việc làm (nhân viên cho tới quản lý), chức năng công việc cụ thể dựa theo thông tin bạn tìm kiếm ban đầu.
Bạn nên bắt đầu bằng việc đưa ra một số từ khóa rộng, sau đó thêm các bộ lọc để thu gọn kết quả tìm kiếm cho đến khi bạn nhận được những kết quả phù hợp nhất.

8. Chủ động liên hệ với nhà tuyển dụng
Sẽ hiếm ai quan tâm khi một CV từ một tài khoản “lạ hoắc” trong hộp thoại cuả mình, hay những lời chào hỏi thông dụng và máy móc đã được lập trình sẵn. Thay vào đó, hãy luôn viết một tin nhắn mang dấu ấn cá nhân gởi đến những nhà tuyển dụng tìềm năng. So với những mẫu tin nhắn tự động của những ứng viên khác, bạn hẳn sẽ trở nên nổi bật vì sự khác biệt và chuyên nghiệp.
9. Tham gia nhóm chung để tăng tính kết nối
Nếu bạn không thể tìm được người giới thiệu cho mình, hãy tham gia các nhóm. Với LinkedIn, bạn có thể tham gia tới 100 nhóm cùng lúc. Chỉ với một vài thao tác tìm kiếm, nhấn nút tham gia các nhóm chuyên ngành và liếc qua những bài đăng, bạn cũng đã có thể chọn ra cho mình vài cái tên phù hợp để gửi yêu cầu kết bạn.
10. Bật thông báo để nhận thông tin
Gần đây LinkedIn đã mở rộng tính năng này và đưa ra nhiều lựa chọn hơn trước, không chỉ bật chế độ xem trước đối với cá nhân, LinkedIn còn cho phép bạn làm điều tương tự với một công ty cụ thể. Bạn có thể chọn nhận thông báo mới qua email, số điện thoại hay biểu tượng trên màn hình desktop, một lần/ngày hay một lần/tuần. Biết đâu việc thường xuyên cập nhật thông báo mới sẽ mang đến những cơ hội tuyệt vời cho bạn.
Kết luận: Có thể nói LinkedIn là môi trường lý tưởng để tìm cơ hội việc làm, nhưng bạn không thể chỉ “ôm cây đợi thỏ” mà cần thật sự cố gắng để khai thác những nguồn lực sẵn có, và chủ động tìm kiếm cơ hội cho bản thân!